Đang truy cập: | 16 |
Lượt truy cập: | 7091440 |
Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đây được coi là nơi phát tích ra nghề nhiếp ảnh Việt
Ngôi làng này có 5 xóm nhỏ và một con phố mang tên Phố Lai. Với chiều dài chưa đầy 1km, Phố Lai là con phố tập trung nhiều hiệu ảnh nhất làng (6 hiệu ảnh và 1 lab). Theo thống kê, số lao động trong thôn làm nghề chụp ảnh chiếm tới 40%.
Về nước năm 1869, cụ Trứ mở hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam với tên gọi Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, nay là ngõ Gạch, Hà Nội. Tuy nhiên, do chiến tranh, hiệu ảnh đã phải đóng cửa.
Năm 1890, dưới sự giúp đỡ của người chú ruột, cụ Nguyễn Đình Khánh (người làng Lai Xá) đã ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Du Chương trên phố Hàng Bồ của người Hoa. Sau những tháng ngày vất vả học nghề, do nắm bắt được những bí quyết trong nghề nhiếp ảnh, năm 1892, cụ đã tự mở một cửa hiệu riêng lấy tên là Khánh Ký trên phố Hàng Da (Hà Nội).
Trong khi hành nghề ảnh, cụ Khánh còn tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Do phong trào này bị lộ, năm 1911, cụ Khánh đã trốn sang Pháp. Năm 1912, cụ mở hiệu ảnh ở Toulouse. Năm 1913, Raymond Poincaré đã đắc cử Tổng thống Pháp. Trong rất nhiều tay máy chụp ảnh tân Tổng thống lúc đăng quang có Khánh Ký và bức ảnh của ông đã được đánh giá là bức ảnh đẹp nhất và được đưa lên trang bìa một số báo, trong đó có bìa của tờ Illustration. Sau thành công đó, một cửa hiệu Khánh Ký khác được mở tại Paris.
Vào những năm 1916 - 1917, khi cụ Khánh Ký đang làm nghề ảnh tại Paris thì cũng là lúc cụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động Cách mạng tại đây. Theo cuốn Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917 - 1923) (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002), thời gian đầu sang Pháp, Bác được các cụ Khánh Ký, Phan Châu Trinh... trợ giúp về tài chính, nơi ở và cụ Khánh Ký đã truyền dạy cho Bác nghề ảnh để có tiền hoạt động Cách mạng.
Những năm tiếp theo, hiệu ảnh Khánh Ký đã có mặt ở Frankfurt (Đức), Quảng Châu (Trung Quốc). Sau khi về nước, cụ Khánh đã mở thêm hiệu ảnh ở một số nơi khác: Sài Gòn, Hải Phòng...
Không chỉ phát triển nghề nhiếp ảnh cho riêng mình, vào thời điểm này, cụ Khánh còn về quê truyền dạy nghề cho người dân làng Lai Xá. Do nắm bắt bí quyết nghề và biết sở hữu kỹ thuật chụp ảnh điêu luyện, các tay máy làng Lai Xá có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết mà độ bắt sáng vẫn đều, đẹp. Hiệu ảnh của người Lai Xá còn thể hiện "đẳng cấp" vượt trội so với các hiệu khác.
Kế tục sự nghiệp của các bậc tiền bối, người dân Lai Xá hàng ngày vẫn bảo tồn và phát triển nghề. Từ giữa năm 2002, Lai Xá đã thành lập Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh với mục đích trao đổi kinh nghiệm, thể hiện niềm đam mê nhiếp ảnh, đồng thời bảo tồn và phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh của làng.
Tháng 2/2008, làng Lai Xá đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh mang tên: "Từ làng đến phố - Ảnh ký của người Lai Xá" tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Đây là cách kể chuyện rất riêng của dân làng Lai Xá vì muốn cho công chúng biết rằng, người Lai Xá đã biết gìn giữ giá trị truyền thống và tiếp thu những cái mới để tiếp tục phát triển nghề này như thế nào.
Hàng năm, cứ đến ngày 15/2 âm lịch, người dân Lai Xá lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ và suy tôn ông tổ làng nghề Nguyễn Đình Khánh.
Copyrights 2008 .Tuan Lai Studio. All Rights Reserved.