Đang truy cập: | 67 |
Lượt truy cập: | 14268476 |
Là “anh cả”, Đại tướng là tấm gương sáng về lòng yêu thương với cấp dưới và chiến sĩ của mình. Những người làm việc bên cạnh ông từng thấy ông nhiều đêm thao thức, nước mắt đầm đìa khi được tin một chiến dịch nào đó, máu chiến sĩ đổ quá nhiều mà chiến thắng lại không tương xứng. Ông thường nói, người chỉ huy các cấp nói chung, nhất là Đại tướng Tổng tư lệnh phải có trách nhiệm với từng vết thương và từng giọt máu của người lánh.Với riêng những người lính vừa cầm súng vừa cầm máy ảnh, Đại tướng luôn tỏ rõ một tấm lòng của người anh lớn, rất cảm thông những khó khăn, vất vả, hiểm nguy của họ. Ông cũng là người hiểu rõ nhiếp ảnh, thích chụp ảnh và coi trọng giá trị những bức ảnh được hoàn thành trong các khoảnh khắc nóng bỏng của lịch sử.
Điều đó thể hiện khá rõ nét khi được nghe Đại tướng phát biểu trong một cuộc hội thảo quan trọng về nhiếp ảnh do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức vào tháng 12 năm 1995 tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 51 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và lần thứ 30 ngày thành lập Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (12/1965-12/1995).
Cuộc hội thảo đã thu hút sự có mặt trong niềm phấn khởi, tự hào của các thế hệ những người đã và đang mặc quần áo lính, từ Vũ Năng An, Nguyễn Đình Ưu đến những người trẻ tuổi như Vũ Đạt, Hoàng Kim Đáng, Trần Hồng…
Ngay từ đầu, tất cả những người tham dự hội thảo vui mừng được đón chào Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự lỗi lạc, nhà sử học uyên bác, nhà văn hóa xuất sắc. Ông đã đến với tình cảm của “người Anh cả”. Ông cho biết: vào thời gian tiến hành cuộc hội thảo này, ông nhận được nhiều giấy mời, song ông đã từ chối các nơi khác, dành thời gian đến dự và phát biểu về nhiếp ảnh dưới chủ đề chiến tranh và cách mạng - một vấn đề ông cũng đã từng quan tâm.
Với nét mặt tươi vui, giọng nói thân tình, ấm áp, Đại tướng tỏ ý hoan nghênh cuộc hội thảo, coi “đây là một vấn đề lớn có ý nghĩa đối với lịch sử nước ta”. Ông chỉ rõ: “Với mọi ngành nghệ thuật khác, khi chiến tranh đi qua, người nghệ sĩ vẫn có thể mô tả lại chiến tranh qua các nguồn tài liệu tin cậy. Nhưng với nhiếp ảnh, nó chỉ có thể mô tả chiến tranh, phản ánh các mặt thực tế của chiến tranh ngay trong quá trình khói lửa. Khả năng phản ánh trực tiếp, sinh động này là một đặc điểm của nhiếp ảnh, và là một thế mạnh về tính chân thực của nhiếp ảnh”.
Đại tướng dừng lại một chút, nhìn toàn cảnh cuộc hội thảo, xòe rộng hai bàn tay nói chậm từng chữ như có ý nhấn mạnh, điều ông đang nói:
“Tính chân thật khách quan ấy, tôi muốn nói rõ, là một cơ sở quyết định giá trị của mọi ngành nghệ thuật. Nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời điểm chuyển tiếp thế hệ. Sự nghiệp đổi mới cần phát huy những truyền thống lịch sử đúng với các thế hệ ngày nay và cả mai sau”.
Những người tham dự hội thảo, nhất là các nghệ sĩ nhiếp ảnh từng lăn lộn và có cống hiến lớn trong các giai đoạn cách mạng vừa qua, cảm thấy hết sức tự hào khi được nghe vị lão tướng khẳng định:
“Tất cả những bức ảnh về chiến tranh và cách mạng của ta là một tài sản vô cùng quý giá. Nó là bằng chứng cho một giai đoạn lịch sử của dân tộc ta, của thời đại ta - thời đại Hồ Chí Minh. Nó là sản phẩm tinh thần của nhân dân ta, tinh thần giải phóng dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ, kết tinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Trong không khí mỗi lúc thêm ấm áp tình chiến hữu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự: “Nhìn bức ảnh chân dung và một số bức ảnh hoạt động khác của Bác Hồ lần đầu tiên treo ở Phủ Chủ tịch và các công sở rồi các báo của ta đăng sau ngày 2-9-1945, tôi không khỏi bồi hồi nhớ tới trận ốm nguy kịch của Bác ở Tân Trào chính vào giờ phút thời cơ đã đến. Những bức ảnh chụp lúc Bác và chúng ta về Hà Nội, Bác chưa khỏe lắm, người còn gầy. Bao nhiêu công việc quan trọng đều dồn lên vai Người lại chính vào lúc đất nước ngàn cân treo sợi tóc. Có cái gì miêu tả thực tế này xác đáng và sinh động hơn, làm xúc động lòng người hơn nhiếp ảnh!”.
Nghe Đại tướng, người học trò ưu tú, người cộng sự tin cậy của bác Hồ nói những lời cảm động về vị lãnh tụ kính yêu, ai cũng cảm thấy bồi hồi, xúc động nhớ đến những ngày Bác rất mệt ở Tân Trào, trên cái lán ở giữa rừng. Vậy mà khi tỉnh, Người chỉ nói chuyện tình hình với người học trò ưu tú của mình: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Những bức ảnh mà Đại tướng nói đến, trong giờ phút ấy, như hiển hiện trước mắt những người tham dự Hội thảo. Đó là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945; hình ảnh Người đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc; hình ảnh Bác và các vị thành viên Chính phủ lâm thời (9/1945); Người làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Người nói chuyện với hơn mười vạn nhân dân thủ đô Hà Nội sau cuộc Tổng tuyển cử bầu ra quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (tháng 2-1946); những hình ảnh hoạt động của Người trên đất Pháp khi Người sang thăm chính thức với tư cách một vị thượng khách của Chính phủ nước này (1946); ảnh Người cùng các thành viên Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt Quốc dân vào ngày 3-11-1946…
Là người may mắn được có mặt trong cuộc hội thảo, tôi cũng mải mê lắng nghe từng lời của Đại tướng và ghi chép từng câu, từng ý của vị danh tướng. Tôi cảm nhận rằng, ông quả là một nhà văn hóa lớn, rất am hiểu lĩnh vực nhiếp ảnh, đã diễn đạt thật thấu tình đạt lý về một loại hình nghệ thuật mà bấy lâu tôi thật tình nghĩ rằng chắc ông không mấy quan tâm. Hôm nay, ngồi nghe ông nói, về một tầm nhìn vĩ mô của nhà lãnh đạo cao cấp trong mấy thập kỷ liên tục, trên một tấm lòng, một cái tâm vô cùng sâu sắc của vị anh cả toàn quân. Tôi để ý: một số nhà nhiếp ảnh gia chớp chớp mắt vì cảm động, vì vinh hạnh. Những gì họ đã làm, đã ghi chép được, đã góp phần làm nên những tác phẩm nghệ thuật lịch sử, được Đại tướng nói đến, đánh giá cao, là phần thưởng, là sự cổ vũ lớn đối với họ. Vũ Năng An, Đinh Đăng Định, dù trong hay ngoài Quân đội đều nhớ lại những tháng năm sôi động trong buổi bình minh của Nhà nước công - nông. Chính họ là tác giả của những tác phẩm mà Đại tướng vừa nói đến Võ An Ninh, tiếc rằng vì tuổi già sức yếu đang ở xa, không đến dự hội thảo được. Và, Nguyễn Bá Khoản, một nhà nhiếp ảnh xông xáo, giá như hôm nay ông còn sống và ngồi đây nghe Đại tướng nói…
Càng nói, càng trìu mến, thân tình, Đại tướng tiếp tục câu chuyện: “thế rồi những bức ảnh kéo pháo lên Điện Biên, tiễn quân về giải phóng thủ đô Hà Nội, mở đường Trường Sơn, hạ máy bay Mỹ, phá thủy lôi địch, hình ảnh về các địa đạo ở Củ Chi, Vĩnh Linh và những địa phương khác trong cả nước, giải phóng và bảo vệ Trường Sa ở Biển Đông, thần tốc tiến vào Sài Gòn v.v.. Giá như có những bức ảnh về các cô gái Đồng Lộc, về đội nữ công binh thép trên đèo Phu-Lai-Nhích, về hoạt động của các chiến sĩ biệt động và đặc công ngay trong lòng địch… thì hay quá! Dường như những sự việc quan trọng, những bước ngoặt lịch sử chiến tranh đều được nhiếp ảnh ghi lại một cách cụ thể, chân thực và sinh động…”.
Rất nhiều tác giả của các bức ảnh mà Đại tướng đã nói, ghi lại các sự kiện, các địa phương tiêu biểu, đang có mặt trong Hội thảo. Họ chăm chú nghe Đại tướng nói, trong lòng hẳn là rất đỗi vinh dự, tự hào. Càng vinh dự, tự hào, khi Đại tướng nhấn mạnh:
“Có được hàng vạn bức ảnh quý về chiến tranh và cách mạng như vậy là do các nhà nhiếp ảnh của chúng ta đã ý thức được nhiệm vụ quan trọng vẻ vang của mình trên các mặt trận. Trong chiến tranh, các nhà nhiếp ảnh, các nhà báo dù ở trong quân đội hay ngoài quân đội đều là các chiến sĩ. 47 chiến sĩ mà Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã truy tặng huy chương “Vì sự nghiệp phát triển ảnh Việt Nam” là một bằng chứng cụ thể cho tinh thần cách mạng của các nhà nhiếp ảnh nước ta”.
Với cái nhìn đầy trìu mến trước cử tọa đang hết sức chăm chú lắng nghe bài phát biểu sinh động, đầy tình nghĩa của vị Đại tướng tài danh, ông nói tiếp:
“Thay mặt những chiến sĩ trong chiến tranh, tôi chân thành cảm ơn các nhà nhiếp ảnh đã ghi lại được bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ. Bộ ảnh về Quân đội nhân dân Việt Nam – một quân đội chân đất – mũ vải – một quân đội bách chiến bách thắng mãi mãi là một bằng chứng bất hủ cho muôn đời. Chúng ta đã có một số sách ảnh đẹp về quân đội ta, nhưng sau 20 năm chiến tranh cũng cần biên soạn lại, khai thác thêm theo tinh thần mới.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần có các phương tiện tốt hơn để lưu giữ, bảo quản những bức ảnh chiến tranh đã được chụp trong những năm tháng gian khổ và hào hùng của chiến tranh và cách mạng. Ảnh chiến tranh đâu chỉ là một tấm phim, một bức ảnh bình thường, mà nó là máu, là nước mắt của người trong ảnh và của người chụp ảnh.
Chúng ta phải giữ gìn, bảo quản và xuất bản những tài liệu quí giá này cho nhân dân và thế giới biết”.
Vẫn là với tấm lòng trìu mến và trân trọng của “người Anh cả”, Đại tướng chỉ rõ:
“Đương nhiên chúng ta cũng cần thấy một điều là ảnh của chúng ta mới nổi bật một nội dung chính về tinh thần chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta, nó còn nói chưa đầy đủ về sự hy sinh, gian khổ của người lính, của thanh niên xung phong, của nhân dân và đồng bào thuộc các dân tộc, thậm chí của ngay các nhà báo, các nhà nhiếp ảnh trong chiến tranh, về tính nhân nghĩa của dân tộc ta ngay trong chiến tranh… Chúng ta càng ít ảnh về phía đối phương. Phần tài liệu này cần khai thác đầy đủ và toàn diện hơn. Tôi nghĩ rằng, ngày nay các nhà nhiếp ảnh, các nhà báo cần biên soạn các tài liệu ảnh về các mặt của chiến tranh để chúng ta có một bức tranh toàn cảnh về một bộ giai đoạn lịch sử oanh liệt của đất nước, xây dựng một cuốn hay một bộ lịch sử về chiến tranh và cách mạng Việt Nam bằng ảnh”.
Như để khích lệ các nhà nhiếp ảnh làm tốt những đề xuất trên đây, Đại tướng thân mật nói:
“Tôi cũng như nhiều đồng chí ở đây được tham gia công việc giải phóng dân tộc, được sống, chiến đấu và làm việc bên cạnh Bác Hồ và theo tư tưởng Người. Chính vì theo con đường Hồ Chí Minh mà đất nước ta mới được rạng rỡ như ngày nay. Nhiều tài liệu nói về tiến trình lịch sử này của dân tộc rất hay, trong số này có nhiếp ảnh. Khi nhìn lại những bức ảnh về chiến tranh và cách mạng của dân tộc ta, nhìn lại những con người làm nên lịch sử, trong đó có chúng ta, tôi như sống lại từng giờ, từng ngày của quá trình gian khổ nhưng rất kỳ diệu và vẻ vang đó”.
Hòa chung niềm vui và niềm tự hào của các chiến sĩ cầm máy đã làm nên những tác phẩm ảnh quí giá, Đại tướng tươi cười thổ lộ cảm nghĩ của mình:
“Nhiếp ảnh sao mà chân thực, ghi nhớ chính xác và gợi cảm lạ lùng đến như vậy! Có những chuyện do thời gian ta có thể quên đi, nhưng nhìn vào ảnh là nhớ từng chiến sĩ, từng trận đánh, từng ý chí chỉ đạo của Trung ương, của Bác Hồ…”.
Thực sự quan tâm đến nhiếp ảnh - đến giá trị hiện thực và ý nghĩa lịch sử của nó - Đại tướng không chỉ tham dự và phát biểu tại các hội nghị lớn, Đại tướng cũng từng có mặt tại nhiều cuộc triển lãm ảnh, tiếp và trao đổi thân mật với nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ông vui mừng được thấy ngày càng nhiều sách ảnh quí được biên soạn và ra mắt trước công chúng trong những năm qua.
Viết đến đây, tôi nhớ đến một câu chuyện do Võ An Ninh – cây đại thụ của nền nhiếp ảnh Việt Nam và cũng là người đầu tiên chụp ảnh vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhà chỉ huy quân đội Võ Nguyên Giáp kể lại. Ông cho biết: ngày 2-9-1945, ông được phân công chụp ảnh Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập. Đúng 2 giờ chiều, từ chân lễ đài, ông nhìn thấy các vị đại biểu dự lễ xuống xe và bước lên kỳ đài. Ông thấy rất đông người và có nhiều người ông không được biết tên. Ông luýnh quýnh theo chân liền và hoàn toàn không bị ai ngăn cản. Trên kỳ đài, diện tích chỉ có vài mét vuông thôi mà hàng chục người đứng. Mọi người hình như chen vai hích cánh. “Hỏi như vậy làm sao tôi chụp được ảnh Cụ Hồ lúc đang đọc Tuyên ngôn Độc lập?” – Võ An Ninh kể tiếp: “Các vị dự lễ cũng rất tế nhị, khi tôi giơ máy lên, người đứng trước cũng khẽ nghiêng mình cho tôi chụp nhưng cái lưng khác lại che lấp ngay lập tức. Biết là không làm gì được, tôi vội tụt xuống cầu thang, đứng ôm máy dưới chân kỳ đài, nghĩ kế khác. Cuộc lễ diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ. Đi bên Cụ có ông Võ Nguyên Giáp. Đúng lúc Cụ Hồ và ông Giáp đã ngồi vào xe nhưng xe chưa lăn bánh, tôi nhào tới đưa máy vào khoang xe và nói:
- Thưa Cụ, vừa rồi trên kỳ đài đông quá, con không chụp được ảnh Cụ. Xin phép Cụ, con được lấy một hình của Cụ.
Cụ Hồ khẽ gật đầu, nhưng lúc ấy Cụ Hồ đang đội mũ. Trời đã về chiều. Cái mũ cát rộng vành che mất nhiều ánh sáng. Tôi đánh liều:
- Thưa cụ, con muốn Cụ hạ cái mũ xuống ạ!
Ông Giáp ngồi bên tủm tỉm cười như hiểu ý nguyện của tôi. Ông đưa tay lên hạ cái mũ của Cụ Hồ đang đội và nhìn tôi, nói:
- Này, thì bỏ mũ xuống…
Thế là tôi có được bức ảnh có một không hai trong cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh: Cụ Hồ ngồi bên ông Giáp, cả hai gương mặt đều cương nghị, nhưng hiền hòa, có chút khắc khổ vì những lo toan cho vận nước ở giờ phút ngàn cân treo sợi tóc. Hơn nữa, đây là tấm ảnh chụp vào ngày lịch sử muôn đời ghi nhớ của dân tộc ta ngay sau khi cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập với quốc dân đồng bào cả nước và thế giới.
Như vậy, nếu không kể bức ảnh Bác Hồ đang đọc Tuyên ngôn Độc lập mà đến nay vẫn chưa thể xác định chính thức tác giả là ai, bức ảnh cụ Võ An Ninh vừa kể có thể được xem là một trong những bức ảnh đầu tiên chụp vụ Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ cho biết, bức ảnh này đã được treo ở vị trí trang trọng nhất của phòng triển lãm ảnh về ngày Lễ Độc lập được tổ chức tại phố Tràng Tiền (Hà Nội) ngay sau ngày 2-9-1945 lịch sử. Chỉ tiếc rằng, do thời cuộc, cụ đã để thất lạc cả phim và tấm ảnh gốc này.
- Nhưng may mắn làm sao – cụ nói tiếp trong niềm vùi kỳ lạ - tôi đã gặp lại tấm ảnh quí của đời mình được in trong một cuốn hồi ký của chính Đại tướng õ Nguyên Giáp. Tôi đã “sao lại” tấm ảnh, tác phẩm của chính mình, được thực hiện trong một khoảnh khắc có một không hai, với sự giúp đỡ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bức ảnh lịch sử đó được phóng to, treo trên tường cạnh những khung to treo bằng Huân chương Độc lập và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi chăm chú ngắm nghía bức ảnh: Bác Hồ có cặp mắt sáng như sao và thật quắc thước, kiên nghị. Bộ râu Bác còn đen, ông Võ Nguyên Giáp ngồi bên, đội mũ phớt, thắt ca vát.
Cụ Võ An Ninh cũng say sưa nhìn bức ảnh của chính mình, có lẽ đã hàng trăm lần cụ ngắm như thế rồi. Vẫn với giọng thật sôi nổi, cụ nói như đang bình luận tác phẩm:
- Những đốm nắng chiều rơi trên gương mặt hai nhà cách mạng, trở thành một yếu tố thật kỳ diệu như khắc họa một thời gian khó và quyết liệt của cả một dân tộc mà Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những nhân vật đại diện.
Tháng 9-1992, nhân xem triển lãm ảnh của Nguyễn Bá Khoản, Đại tướng ghi trong sổ lưu niệm như sau: “Nghệ sĩ nhiếp ảnh có khả năng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp viết lịch sử hào hùng, nói lên truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc”. Như vậy là từ hơn 3 năm trước khi diễn ra hội thảo dưới tiêu đề nhiếp ảnh về chiến tranh và cách mạng, Đại tướng đã giúp chúng ta xác định sâu sắc vị trí của nhiếp ảnh – một loại hình nghệ thuật. Ông đánh giá cao vai trò của các nhà nhiếp ảnh, trước hết là các chiến sĩ quân đội chụp ảnh.
Mấy chục năm qua, mỗi độ xuân về, Tết đến, một số cán bộ ở Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh thời kháng chiến chống Pháp, lại cùng nhau đến nhà riêng chúc Tết vị Thủ trưởng kính yêu của mình. Trong các cán bộ đó, có nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An, từng phụ trách ban nhiếp ảnh của Bộ Tổng tư lệnh. Đại tướng hồi tưởng một thời oanh liệt và nhớ đến đóng góp của từng người, dù ở vị trí nào, cấp bậc nào. Từ trong kháng chiến, Đại tướng đã trìu mến gọi Vũ Năng An là “chiến sĩ – nghệ sĩ”. Về cuối đời, Vũ Năng An yếu đi nhiều, chân lại đau không thể đến chúc tết Đại tướng. Thì kia, một ngày xuân 1999, Đại tướng cùng phu nhân đích thân đến thăm và chúc tết “người nghệ sĩ chiến sĩ” tại nhà riêng trong một hẻm sâu ở phố Hoàng Hoa Thám. Tìm nhà ông thật khó, Đại tướng phải mất gần một tiếng đồng hồ mới tới được. Được gặp nhau, trong niềm vui mừng của chủ và khách, Đại tướng bày tỏ với người cán bộ nhiếp ảnh của mình: “Chúng ta xa nhau, nhưng cố tìm nhau thì vẫn tìm được!”. Đó là một câu trong cả đoạn lưu niệm dài mà tôi đã có dịp giới thiệu khi viết về Vũ Năng An. Phải trân trọng nhau lắm, yêu mến nhau lắm, như đôi bạn thân thiết thời xa xưa, Đại tướng mới viết những dòng cảm động, đầy ân tình như thế.
Cũng trong thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc, nhà nhiếp ảnh Ngô Hương từng có dịp được phân công chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Đại bản doanh. Trong hồ sơ tư liệu của mình, Ngô Hương vẫn giữ được một số ảnh Đại tướng và gia đình ông thời ấy. Quý mến Ngô Hương, Đại tướng mời ông ở lại vui Tết cùng gia đình và mời nghe những đĩa hát mới mà Đại tướng vừa được biếu, còn mới nguyên.
Năm 1990, nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đinh Đăng Định đã trưng bày bộ ảnh về Bác tại số 19 phố Hàng Buồm (Hà Nội) gồm 79 ảnh tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác. Xem bộ ảnh này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng nhớ đến vị Tổng tư lệnh tối cao, “người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang Việt Nam”, người thầy kính mến của ông. Rất nhanh nhẹn, Đại tướng ghi vào sổ cảm tưởng:
“Rất xúc động và chân thành cảm ơn nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định đã ghi lại cho các thế hệ những hình ảnh rất sống, rất thật của Bác Hồ bình dị mà vĩ đại, ở những thời điểm, những địa điểm quả là lịch sử”.
Cũng năm đó, sau khi xem triển lãm ảnh tư liệu nghệ thuật của Trần Cừ, Đại tướng xúc động viết:
“Có những năm tháng chiến đấu hào hùng và oanh liệt, mới có nền hòa bình trong độc lập, tự do từ nay.
Hoan nghênh nghệ sĩ Trần Cừ đã xông pha bom đạn để ghi lại những hình ảnh hy sinh chiến đấu của nhân dân ta. Và biết phát hiện những cảnh, những người đang vươn lên xây dựng cuộc sống mới trong hòa bình và độc lập…”.
Lùi lại hai năm trước đó (1988), xem triển lãm ảnh của Nguyễn Nhưng – nguyên chiến sĩ tự vệ thành Hoàng Diệu năm xưa, từng được nghe nhà chỉ huy lừng danh nói chuyện về thời cuộc, về nhiệm vụ và trách nhiệm vẻ vang của người chiến sĩ – Đại tướng cảm nhận ở đó “Những tấm ảnh nói lên cái đẹp, cái thần của người, cảnh, tưởng chừng như những bức tranh của một họa sĩ đa tài”. Giờ đây, trong nhà riêng của mình, ngay trên vị trí trang trọng nhất của buồng khách, nghệ sĩ Nguyễn Nhưng vui sướng treo bức ảnh đã phóng to chụp ông may mắn được Đại tướng ân cần tiếp chuyện ở Hà Nội.
Các nhà nhiếp ảnh Triệu Hùng, Vũ Ba, Đoàn Công Tính, cả ba đều là những tay máy của quân đội, lại cùng là phóng viên báo Quân đội nhân dân, từng tổ chức triển lãm chung ở Bảo tàng quân đội. Họ đã trân trọng gửi giấy mời đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp – bằng cách đưa tận tay Đại tá, bí thứ riêng của Đại tướng. Giấy mời đã đến, nhưng họ chưa tin sẽ được Đại tướng dành thì giờ đến xem triển lãm. Thế mà, chỉ 5 phút trước giờ khai mạc, Đại tướng đã xuất hiện! Ông bắt tay và ôm hôn thắm thiết từng tác giả. Trần Hồng đã chụp được tấm ảnh về khoảnh khắc đó. Những bức ảnh gợi nhớ thời chiến tranh, những hình ảnh chiến trường nóng bóng, đã có sức hút lạ lùng đối với Đại tướng. Ông không bỏ qua lời thuyết minh nào. Ông hỏi Đoàn Công Tính về cái giây phút chụp cứ điểm Đầu Mầu của địch thất thủ và rất vui khi biết tác phẩm này đã đoạt giải thưởng lớn của quốc tế. Lại nhớ, năm 2001, Đoàn Công Tính đến thăm Đại tướng tại nhà riêng. Anh mời ông xem toàn bộ những hình ảnh anh chụp trên các chiến trường khói lửa. Đại tướng đánh giá: đó là “một tập ảnh quí” và tỏ ý rất xúc động khi xem những khoảnh khắc chiến tranh được chính người cầm máy là một chiến sĩ quân đội ghi lại. Ông viết: “Tôi cảm giác những tấm ảnh… đang cùng với tác giả tiếp tục làm việc, bàn bạc, tiếp tục xông lên giành những thắng lợi mới”.
Tôi nghĩ: thật khó mà có cảm nghĩ sâu xa hơn thế. Bởi vậy, thông qua những bức ảnh này, đâu phải những bức ảnh bình thường, đấy còn “là máu và nước mắt của người trong ảnh và của người chụp ảnh” (Lời Đại tướng).
Thường thường, tại cuộc triển lãm nhiếp ảnh, Đại tướng say sưa ngắm và bình phẩm từng tác phẩm với thích thú.
Và trong hoạt động nhiếp ảnh của các nghệ sĩ, ông luôn luôn nhiệt tình giúp đỡ họ trong mọi tình huống và bất kể tính cách của họ thế nào. Xin thuật lại một vài mẩu chuyện:
Chuyện thứ nhất là về thiếu úy Lê Hưng. Ông này quê ở Nam Bộ. Ông được các phóng viên trẻ rất nể vì ông cao tuổi nhất tòa soạn báo Quân đội nhân dân. Ông có thói quen nói trống không, không thưa, gửi, bẩm, báo gì với bất cứ ai. Hiểu tính ông nên mọi cán bộ cấp bậc cao hơn ông, kể cả Tổng biên tập đều cười xòa, dễ dãi cho qua.
Một lần, ông đi theo Đại tướng đến thăm Sư đoàn 312. Đại tướng đến với các chiến sĩ, trò chuyện, cười vui rất thân mật. Do tuổi già, Lê Hưng di chuyển không nhanh, đưa máy ảnh lên ngắm rồi điều chính ống kính chậm nên bị nhỡ mấy lần. Lần thứ tư, Lê Hưng lại vồ trượt cảnh Đại tướng bắt tay chiến sĩ. Theo thói quen, Lê Hưng hướng về phía Đại tướng, làm cái việc mà bất cứ phóng viên nhiếp ảnh nào khác đều không dám làm là nói trống không: “Bắt tay lại đi!”. Đại tướng đưa ánh mắt thân thiện về phía nhà nhiếp ảnh già của Nam Bộ tập kết ra Bắc. Thấy ông đã chuẩn bị xong, Đại tướng vui vẻ nói: “Tớ chỉ huy toàn quân, cậu chỉ huy tớ. Nào chúng ta bắt tay lại!”. Các chiến sĩ cười rất tươi, hưởng ứng câu đùa dí dỏm, tế nhị của vị Tổng tư lệnh. Riêng nhà nhiếp ảnh Lê Hưng rất hài lòng vì đã bấm được một kiểu ảnh tuyệt đẹp.
Tường hợp khác là thiếu úy Triệu Đại. Ông Đại cùng thế hệ với các nghệ sĩ – chiến sĩ từ thời chống Pháp, là bạn bè, đồng nghiệp cùng Nguyễn Đình Ưu, Bùi Duy Ly, Hoàng Hóa, Tô Na, Nguyễn Tám Lợi, Đinh Ngọc Thông… Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ông tham gia tự vệ và thanh niên cứu quốc ở Thủ đô. Trong kháng chiến, ông là tác giả của toàn bộ ảnh về chiến dịch Biên giới, chiến thắng đường số 4, chiến thắng Đông Khê, Thất Khê… và là phóng viên nhiếp ảnh đầu tiên được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba. Về sau ông được điều động về Cục Tuyên huấn Tổng cục chính trị thay Vũ Năng An làm trưởng phòng Nhiếp ảnh. Và ông đã được điều động tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cục trưởng Lê Quang Đạo căn dặn ông: “Phải làm cho nhiếp ảnh đợt này có vị trí xứng đáng với tầm vóc chiến dịch và chiến công của chúng ta!”. Sau này, cùng xem lại bộ ảnh thời chống Pháp, nhất là bộ ảnh Điện Biên Phủ, Triệu Đại tâm sự: “Tôi cũng không hề biết rằng mình đang được vinh dự ghi lại một chiến công vĩ đại của dân tộc”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt khen ngợi các bức ảnh Cắm cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờcát và Chiến thắng Him Lam của Triệu Đại. Đã từ lâu, Đại tướng biết Triệu Đại và có quan hệ thân mật với ông. Còn nhớ, ngày 22-12-1958 (kỷ niệm lần thứ 14 Ngày thành lập Quân đội), Triệu Đại được phân công chụp ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp mặc quân phục mới, đeo quân hàm mới. Đại tướng nhận lời. Do đã biết về nghề ảnh, từng chụp ảnh nghiệp dư, Đại tướng cho rằng cuộc chụp này kéo dài độ vài phút là cùng.
Với cái máy ảnh trong tay, Triệu Đại chạy lăng xăng chọn góc độ, yêu cầu “người mẫu” nghiêng phải, nghiêng trái, ngẩng cao đầu, mắt nhìn thẳng… Chụp 5 kiểu trong nhà xong, Triệu Đại mời Đại tướng ra sân để lấy ánh sáng mặt trời, bấm thêm gần một chục “pô” cận cảnh nữa. Đại tướng nói:
- Chụp như vậy là nhiều lắm rồi. Gần 20 kiểu thế nào cũng đạt được một kiểu chứ!
Triệu Đại vẫn chưa muốn rời “người mẫu”. Ông tiếp tục năn nỉ Đại tướng:
- Thưa anh, nếu chỉ cần một yêu cầu thể hiện anh hiền hòa, nhân hậu để dân ta yêu quí, chắc là tôi đã thể hiện được. Nhưng tòa soạn còn yêu cầu tôi chụp chân dung anh toát lên vẻ nghiêm trang, đĩnh đạc để toàn quân kính trọng, tin phục. Những tấm ảnh vừa bấm máy tôi e ngại là chưa đạt được yêu cầu.
Đại tướng mỉm cười độ lượng:
- Tớ “không diễn xuất” nổi cùng một lúc nhiều yêu cầu của báo Quân đội. Nhưng tớ sẽ làm theo yêu cầu của “đạo diễn”.
Triệu Đại rất phấn khởi. Sau gần 2 giờ, liên tiếp chụp hết cả cuộn phim 36 kiểu, ông mởi trở về tòa soạn để lao vào buồng tối tráng phim. Có 5 kiểu được ông ưng ý nhất. Tấm ảnh Đại tướng mặc lễ pục, đeo lon Đại tướng đầu tiên được công bố trên báo đã được mọi người ưng ý và hoan nghênh.
Có lẽ Thượng tá Trần Hồng là một trong những nhà nhiếp ảnh chụp nhiều nhất về Đại tướng Tổng tư lệnh, tính ra có tới hơn 1000 kiểu ảnh! Trên Tạp chí Thế giới ảnh, đã có lần anh viết một bài ngắn nhan đề “Một ngày của đại tướng Võ Nguyên Giáp”, trong đó anh kể lại những lần anh làm việc bên ông. Ngày 15-12-1959, cách đây ngót 15 năm, anh mở Triển lãm “Chân dung mẹ” – một đề tài anh theo đuổi hàng chục năm liền với niềm say mê và sự tâm đắc của một người lính – nghệ sĩ. Ngày 23, Đại tướng đến xem triển lãm của anh và ghi vào Sổ cảm tưởng:
“Tổ Quốc đời đời biết ơn các bà mẹ anh hùng, những con người đã hy sinh tất cả vì Độc lập và Thống nhất của đất nước, hạnh phúc của nhân dân, tiêu biểu cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Mong nghệ sĩ Trần Hồng tiếp tục có những tấm ảnh có ý nghĩa với trình độ nghệ thuật cao, phản ánh những tấm gương tốt, những thành tích ngày càng lớn chủa nhân dân Việt Nam ta trong sự nghiệp đổi mới, tiến lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta giàu mạnh, đẹp”.
Không thể kể hết tên tuổi và tác phẩm của các nghệ sĩ đã từng chụp ảnh Đại tướng. Những kỷ niệm của Trọng Thanh, Vương Khánh Hồng và nhiều nhà nhiếp ảnh khác thực sự nói lên tấm lòng trìu mến của Đại tướng đối với những người viết lịch sử bằng ảnh.
Nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng, nguyên chiến sĩ quân đội, nhiều năm là phóng viên nhiếp ảnh trên tuyến đường Trường Sơn những năm đánh Mỹ, vừa hoàn thành công trình sách ảnh mang tên Thăng Long – Hà Nội qua hình ảnh chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Vốn đã nhiều lần được tiếp xúc, chụp ảnh vị Tổng Tư lệnh kính yêu, từng được ông thăm chơi, quan tâm, Hoàng Kim Đáng trân trọng mời Đại tướng xem công trình mới của mình. Đại tướng cùng các cán bộ giúp việc lật từng trang, ngắm và bình phẩm từng tác phẩm ảnh của trên 100 nghệ sĩ thuộc các thế hệ được công bố ở tập ảnh đồ sộ này. Xem xong, nhà quân sự lỗi lạc, nhà sử học uyên bác, nhà văn hóa xuât sắc, vui lòng đề tựa cho tác phẩm:
“Cuốn Thăng Long – Hà Nội qua hình ảnh” của Nhà xuất bản Hà Nội do nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng sưu tầm và biên soạn, là một tác phẩm nghệ thuật phản ánh khá chân thực sự phát triển của kinh đô Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay qua 1000 năm. Công trình có giá trị về lịch sử và văn hóa của dân tộc, đóng góp xứng đáng vào Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.
Copyrights 2008 .Tuan Lai Studio. All Rights Reserved.